Chủ nghĩa đế quốc, thuộc địa, dịch bệnh và cách mạng…
Chủ nghĩa đế quốc Pháp trong lịch sử mang theo sứ mạng khai hóa văn minh. Tuy nhiên, họ không lường trước số phận không thể tránh khỏi của sứ mạng này – ba yếu tố cản bước đường thuộc địa hóa:
1. Các cuộc cách mạng: Đặc điểm của quá trình bành trướng thực dân của Pháp là xuất khẩu cả truyền thống cách mạng – khởi đầu từ cuộc Cách mạng 1789, sau đó là vào các năm 1830, 1848 và 1871, không chỉ diễn ra tại Pháp mà còn quét qua khắp châu Âu và các đế chế ở châu Âu, sau này là ở các xứ thuộc địa.
2. Dân thuộc địa được đào tạo trong nhà trường Pháp, tiếp nhận tinh thần của các cuộc cách mạng Pháp: tiêu biểu ở Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… đã trở thành những nhà lãnh đạo cho công cuộc chống thực dân, giải phóng dân tộc.
3/ Dịch bệnh: kẻ thù chết người đối với thực dân châu Âu ở các xứ nhiệt đới.
Trong tác phẩm “Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới”, tác giả Niall Ferguson có nhắc đến việc này như sau:
“Bài ca tụng mỉa mai sâu cay nhất dành cho chủ nghĩa đế quốc Pháp đã được Nguyễn Ái Quốc viết vào năm 1922, trong bức thư gửi viên Toàn quyền của một thuộc địa khác của Pháp ở bờ bên kia của thế giới – Đông Dương. “Thưa ngài,” lời mở đầu bức thư của tác giả tên thật là Nguyễn
Sinh Cung, vốn lưu loát tiếng Pháp nhờ từng học ở trường Hue lycée (Quốc học Huế):
Chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng, đối với dân bản xứ ở thuộc địa nói chung và đối với dân An Nam nói riêng, lòng thương yêu của Ngài thật là bao la rộng rãi. Dưới quyền cai trị của Ngài, dân An Nam đã được hưởng
phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ
máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời. Hành động nhân ái ấy đủ để chúng tôi không cần nhắc lại tất cả những hành động khác như: bắt lính
và bắt mua công trái, đàn áp đẫm máu, truất ngôi và đầy biệt xứ một ông vua, xâm phạm và làm ô uế những nơi linh thiêng, v.v…
Người viết bức thư này cho vị toàn quyền đã không chỉ học tiếng Pháp ở trường thuộc địa. Sau này, dưới một bút danh khác là Hồ Chí Minh, ông đã lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho Việt Nam, giương cao tinh thần của Bản Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791, trích dẫn nó vào Bản Tuyên ngôn Độc lập của chính ông về độc lập của nước Việt Nam; cũng như vậy, Võ Nguyên Giáp – người giành chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ (năm 1954) mang tính quyết định (và cũng là một cựu học sinh trường thuộc địa) – đã học nghệ thuật chiến tranh bằng cách nghiên cứu những chiến dịch của Napoleon. Đó chính là số phận không thể tránh khỏi của sứ mạng khai hóa văn minh – xuất khẩu truyền thống cách mạng cùng với những quả đạn đại bác và những chiếc bánh mì dài. Không phải ngẫu nhiên mà các vị tổng thống của các nước độc lập như Bờ Biển Ngà,
Niger, Dahomey và Mali đều tốt nghiệp tại trường thuộc địa William Ponty – thủ tướng của Senegal cũng vậy.
Và tất cả những điều này – toàn bộ sứ mạng khai hóa văn minh của người Pháp – vẫn còn bị đe dọa sẽ thất bại trước một kẻ thù chết người, đó là các dịch bệnh, nguyên nhân khiến những vùng rộng lớn châu Phi Hạ-Sahara trở thành nơi hầu như không thể cư trú cho người châu Âu.”