Những bí quyết giao tiếp tốt

[toc]

“Bạn đang nói tức bạn đang nắm giữ một cơ hội…

Hãy biến cơ hội ấy trở thành một thành công cho bạn.”

Đó là lời khép lại cuốn sách “Những bí quyết trong giao tiếp” (tựa gốc: “How to Talk to Anyone, Anytime, Anywhere”) của Larry King mà tôi từng đọc một lần. Cho đến hôm nay, câu nói này là lí do khiến tôi có thể đọc lại từng trang sách ấy với một tâm trạng hào hứng vẫn giống như buổi đầu.

Cái tên Larry King gắn với nhiều giải thưởng lớn nhỏ mà những ai quan tâm đến lĩnh vực phát thanh – truyền hình đều không còn xa lạ. Ông được coi là một trong những người dẫn chương trình hàng đầu của đài truyền hình và đài phát thanh Mỹ. Tôi còn nhớ Vladimir Putin – khi đó đang là Thủ tướng Nga, từng nói với ông tại một cuộc phỏng vấn ngày 2/12/2010: “Trong giới truyền thông Hoa Kỳ có rất nhiều người tài năng và thú vị. Nhưng Vua thì chỉ có một.” (Putin chơi chữ, “King” trong tiếng Anh có nghĩa là “Vua”). Chính câu nói ấy của ông Putin đã khơi lên sự tò mò trong tôi về người đàn ông làm việc cho kênh CNN đã nhiều năm, từ đó tìm đến cuốn sách được xuất bản năm 2003 này.

          “Những bí quyết trong giao tiếp”, đúng như tên gọi của nó, viết về những lời khuyên hay câu chuyện liên quan đến việc giao tiếp – cụ thể là nghệ thuật nói, mà nhà hùng biện tài năng Larry King đúc kết được trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. Tất cả được trình bày thành 12 chương, dưới sự dẫn dắt của nhân vật “tôi”. Đấy là “những nguyên tắc cơ bản”, điều mà một hình thức giao tiếp quan trọng như trò chuyện cần lưu ý. Là cách “khởi đầu câu chuyện”, để người khác mở lòng với chúng ta, để chúng ta mở lòng với người khác. Là “chuyện trong xã hội”, trong những môi trường quen thuộc như một buổi tiệc, một bữa ăn, một lễ tang hay ngay cả lúc gặp mặt người nổi tiếng. Là “tám điều thường thấy ở những người có tài ăn nói”, rồi tới việc “nói chính xác và nghiêm túc” như thế nào. Là cách “trò chuyện trong công việc” ra sao trong một số hoàn cảnh: bán hàng, phỏng vấn tìm việc, đàm phán, hội họp,… Là “những khách mời thú vị và nhàm chán nhất của tôi, và lí do vì sao” cùng các mẩu chuyện thú vị từng xảy ra. Là một vài chia sẻ về “những tình huống khó xử và cách chế ngự chúng”, sau đó “tôi phải làm gì”. Và còn là “những lưu ý khác về nghệ thuật nói trước công chúng”, cùng “trò chuyện trên truyền hình và trên làn sóng phát thanh” – những việc vốn không hề dễ dàng. Hay “nói chuyện tương lai”, một sự kết thúc trọn vẹn cho bao kinh nghiệm quý được ghi ra trên những trang giấy.

Nếu chỉ nhìn qua, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng 12 là con số quá lớn đối với một cuốn sách chỉ hơn 100 trang. Những câu nghi vấn có thể được đặt ra: Nội dung trong sách có đáp ứng đủ yêu cầu khai thác được chiều sâu vấn đề? Những “bí quyết” cần thiết trong giao tiếp – một việc mà mỗi người chúng ta đều phải làm cả đời, thực hành cả đời đã được viết hết ra?…

Tôi luôn cho rằng, mỗi quyển sách đến với chúng ta đều sẵn sàng mở ra một thế giới riêng của nó. Và một cuốn sách hay, sẽ cho ta một thế giới mà ta khó lòng bắt gặp ở nơi nào khác. Vì vậy đối với “Những bí quyết trong giao tiếp”, tôi dành cho nó một tình cảm đặc biệt. Đó không phải là niềm ngưỡng vọng trước một câu chuyện cổ tích, hay sự thăng hoa của cảm xúc dành cho một chuyện kể có cao trào. Đó là khoảng lặng mà tôi tự dành ra sau khi đọc xong mỗi tình huống quen thuộc được kể lại một cách hài hước vui vẻ, mỗi lời khuyên được truyền tải theo con đường gần gũi, đôi khi giống như lời thủ thỉ của người bạn nào đó chúng ta thân quen: “bạn biết không”, “bạn nghĩ sao”, “bạn thân mến”,…

Điều đặc biệt ở Larry King là ông không đưa ra cho người đọc các câu khẩu lệnh đối với lời khuyên từ mình. Bằng ngòi bút trí thức và phong cách dí dỏm, Larry có cách dẫn dắt vấn đề rất tự nhiên. Ông khơi gợi cảm giác gần gũi ngay từ mở đầu bằng những câu chuyện, cuộc đối thoại đời thường – có thể là hồi ức của ông, hoặc của một ai đó khác. Để rồi từ đấy, dưới sự dẫn dắt của “tôi”, độc giả như được cùng trải nghiệm đời sống phong phú của người đàn ông đã cống hiến hơn 45 năm cho sự nghiệp, với nhiều mối quan hệ, giao thiệp tốt đẹp. Những tình huống Larry kể đều có mục đích của riêng nó, có lúc dẫn dắt sang vấn đề bài học kinh nghiệm, có lúc lại trở thành ví dụ chứng minh cho phần lí thuyết đã nêu. Bên cạnh đấy, bạn cho rằng những gì được viết trong cuốn sách chỉ hơn 100 trang có thể không đủ chiều sâu? Không đâu, bởi lối hành văn ngắn gọn mà cô đọng chính là phong cách của Larry, và đằng sau mỗi sự chia sẻ của ông đều là sự khuyến khích mỗi người chúng ta tự vận dụng, phát triển hơn nữa nghệ thuật nói cho riêng mình.

Và thế giới mà “Những bí quyết trong giao tiếp” đã mở ra trong tôi, nó vẫn còn đó cho tới tận hôm nay. Như chính Larry King đã viết: “Một chương trình thành công tức là phải vừa bổ ích vừa hấp dẫn”. Bổ ích để người ta ghi nhớ ngay cả khi chương trình đã kết thúc. Hấp dẫn để người ta theo dõi ngay cả khi có sự cạnh tranh đến từ các chương trình khác. Đối với tôi, cuốn sách của ông đã làm được điều đấy. Không chỉ thu hút người đọc bằng phong cách viết của riêng mình, Larry còn mang tới cả một kho những điều thú vị – hoặc chúng ta chưa biết đến, hoặc chúng ta chưa nhận ra, về môn nghệ thuật nói với vô vàn bí ẩn vẫn cần được khám phá. Trước kia, tôi đã từng là một người ngại nói trước đám đông, bởi nỗi e sợ sẽ nói sai, nói lỗi ở điểm nào đó. Còn tôi của hôm nay đang trên con đường hoàn thiện khả năng nói trước đám đông của mình, tự trau dồi cho mình sự tự tin và thoải mái hơn khi nói qua mỗi lần thực hành. Tất nhiên, để làm nên một thay đổi là kết hợp của rất nhiều yếu tố khác nhau cùng tác động. Nhưng tôi không quên những gì bản thân đã học hỏi được từ cuốn sách: rằng đừng ngại nói, bởi nói là góp phần định hình nhân cách và vị trí của chính chúng ta; rằng nói sao cho chân thật, lắng nghe để được lắng nghe; rằng hãy học cách dùng đôi mắt, tri thức và sự bình tĩnh để làm quen với việc nói trước nhiều người; rằng luyện tập và chăm chỉ luyện tập, đặc biệt là việc tự luyện sẽ giúp chúng ta dù chưa nói hay, cũng có thể nói hay hơn… Quả thực, “tự tin khi nói có nghĩa là bạn đang tự tin trong cuộc sống”. Và tự tin trong cuộc sống là cơ hội rất đáng quý trên con đường dẫn tới thành công. Nói – là không bao giờ “lỗi thời”.

“Những bí quyết trong giao tiếp” vừa có sự thú vị trong từng lời văn câu chữ mang đậm phong cách cá nhân của Larry, vừa có sự hữu ích qua những “bí quyết” ông tích góp cả đời, từ khi còn là cậu bé với tình yêu và đam mê dành cho việc nói. Đó chính là cách mà biểu tượng lớn của ngành công nghiệp truyền hình Mỹ đã chinh phục lòng kiên trì lật giở từng trang sách trong tôi lần đầu tiên, và thêm một lần thứ hai khi tôi đi tìm lại những cảm nhận năm đó đã tồn tại lúc biết đến cuốn sách này.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x