Cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn đậm chất tự truyện về một quãng đời mà chính tác giả cũng muốn để nó rơi vào lãng quên. Tiểu thuyết – tự truyện này được viết dưới một kết cấu khá truyền thống trong đó câu chuyện viết lách ở hiện tại của một nhà văn với những dằn vặt không nguôi bị giằng xé về thời gian, không gian với kí ức về câu chuyện trong quá khứ. Lật mở từng trang sách trong cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn là một bức tranh sinh hoạt đa sắc của người lao động Hàn Quốc nghèo ở các khu công nghiệp vào cuối thập niên 70.
Shin Kyung-Sook là tác giả khá được yêu thích ở Hàn Quốc nói riêng và các nước châu Á khác nói chung. Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-Sook từng lay động trái tim của các độc giả, có ảnh hưởng và lay tỉnh nhận thức của nhiều người. Ngoài ra, tác phẩm “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” cũng được các bạn độc giả đón nhận rất nhiệt tình.
Cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn – Lời thú tội của nhà văn
Lần này, Shin Kyung-Sook trở lại với tác phẩm mới nhất của mình với cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn. Nhân vật chính trong câu chuyện là một thiếu nữ 16 tuổi, sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo. Vì không đủ điều kiện để học tiếp trung học, cô phải lên Seoul lao động để kiếm sống.
Cuộc sống trên thành phố của cô gói gọn trong bức tranh sinh hoạt một khu công nghiệp, nơi cô sống trong một căn phòng trọ chật hẹp, hiu quạnh với anh cả và chị họ của mình. Nơi cô sáng làm việc bên dây chuyền nhà máy, tối đến trường theo học chương trình đặc biệt dành cho nữ công nhân. Cũng chính nơi đây, cô đã trải qua nhiều biến cố cuộc đời và không ít biến động thời cuộc. Nơi cô gặp gỡ được rất nhiều người, nếm trải những mất mát và dần dần trưởng thành hơn. Nhưng có những vết thương cô cũng vẫn mãi ôm trong mình. Dù điều kiện khó khăn và thiếu thốn nhưng cô vẫn nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ trở thành một nhà văn thực thụ.
Đây không chỉ là một câu chuyện về một cô gái có nghị lực phi thường nhưng còn đan xen những biến chuyển liên tục giữa hiện tại và quá khứ. Xen lẫn cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo giữa những biến động lịch sử. Giá trị trung tâm là tình cảm gia đình, mối liên hệ giữa người với người và đặc biệt là nỗi cô đơn cùng nỗi đau không gì khỏa lấp của những năm tháng trưởng thành. Giữa những biến thiên lịch sử và nỗi đau đó, giấc mơ của người thiếu nữ không ngừng được tôi luyện và lớn lên.
Là một tác phẩm có hơi hướm tự truyện, qua cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn, độc giả được một lần nhìn thấy rất rõ quá trình một tác phẩm ra đời. Tác giả Shin Kyung-sook cũng thể hiện rất chân thành những suy tư, chiêm nghiệm về con người cá nhân trong tư cách người viết. Không hào nhoáng, không màu mè và cũng không hào quang chút nào. Chỉ có một nỗi cô độc và đau đớn do mảnh đất tâm hồn không ngừng bị đào xới.
Nhân vật ‘tôi’ viết: “Bây giờ bên ngoài những con chữ, tôi cảm thấy một nỗi đau nhức nhối trong tim.” Hẳn là việc dứt lòng mình ra, phơi bày tâm hồn mình trước nhân thế không phải là một việc dễ dàng. Huống hồ phải phơi bày những kí ức nhức nhối, gọi thức dậy tên và mối dây kết nối với những con người đã chết. Phơi bày cả phần tối tăm, cả “con quỷ” vẫn ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn mình.
Có lẽ, cuối cùng, sau tất cả những suy nghiệm về quá khứ, viết lách, nữ nhà văn ba mươi hai tuổi có thể một lần được nhìn toàn cảnh về tuổi mười sáu của mình trong cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn. Nhìn lại để bước tiếp, để liên tục dấn mình vào cuộc đời không khi nào ngớt những nỗi buồn.
Đọc cuốn sách Cô gái viết nỗi cô đơn, người đọc không khó để hình dung đây là cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện. Cuốn sách khiến ta hiểu thêm về quãng đời niên thiếu của tác giả Shin Kyung-Sook mà còn có thể hiểu lý do và động lực cầm bút viết của nhà văn đầy tài năng và cảm xúc này.
Về tác giả, Shin Kyung-Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo tại một ngôi làng nhỏ ở miền nam Hàn Quốc. Vì điều kiện gia đình nên 16 tuổi, Shin Kyung-Sook bắt đầu lên Seoul kiếm sống và nuôi mơ ước viết văn. Năm 1985, Shin Kyung-Sook tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Seoul và bắt đầu sáng tác. Tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” ra mắt năm 2008 và ngay lập tức được dịch ra nhiều thứ tiếng, gây tiếng vang trên thế giới. Shin Kyung-Sook trở thành gương mặt tiêu biểu trong nền văn học Hàn Quốc với niềm hi vọng “nói ra những điều không thể nói, chạm đến những thứ không thể đến gần”.